Kinh doanh dropshipping tại Việt Nam là mô hình kinh doanh đang được nhiều cá nhân, tổ chức áp dụng. Vậy mô hình kinh doanh dropshipping là gì? Để kinh doanh dropshipping tại Việt Nam cần phải biết những quy định nào?
Dropshipping là gì?
Dropshipping là một mô hình kinh doanh thương mại điện tử và dịch ra Tiếng Việt là bỏ qua khâu vận chuyển.
Có thể thấy, đây là một mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó người bán không cần lưu trữ hàng hóa trong kho của mình mà sẽ thông qua bên thứ ba là nhà cung cấp hàng hóa để vận chuyển hàng hóa tới tay khách hàng khi có khách hàng đặt mua sản phẩm.
Đồng nghĩa, khi kinh doanh dropshipping, người bán sẽ không phải quan tâm đến việc vận chuyển hàng đến khách hàng mà chỉ cần tập trung vào các hoạt động marketing sản phẩm, theo dõi đơn hàng cũng như chăm sóc khách hàng.

Qua đó, có thể thấy ưu điểm và nhược điểm của loại hình kinh doanh này như sau:
Về ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất của loại hình kinh doanh này là người thực hiện mô hình kinh doanh dropshipping sẽ không mất vốn ban đầu, không cần đầu tư bến bãi, kho để lưu giữ hàng hóa, không cần phải mua hàng hóa giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Đồng thời, địa điểm kinh doanh của người bán hàng theo mô hình dropshipping sẽ linh hoạt hơn, có thể hoạt động ở bất cứ đâu chỉ cần có thiết bị kết nối internet. Kéo theo đó, người kinh doanh theo mô hình này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa sẽ thực sự đến tay người mua một cách nhanh chóng nhất có thể bởi khi thực hiện mô hình kinh doanh dropshipping sẽ loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết trong quá trình vận chuyển mà sẽ đi thẳng từ người sản xuất, bán hàng đến người mua, người tiêu dùng.
Về nhược điểm
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm về việc linh hoạt, tiết kiệm thời gian, tiền bạc thì mô hình kinh doanh dropshipping cũng có nhiều nhược điểm, có thể kể đến:
Thứ nhất: Không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa. Song song với việc giảm thiểu các khâu trung gian là việc không kiểm soát được lỗi của sản phẩm, hàng hóa. Bởi hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ người bán đến người mua mà không qua khâu trung gian nên việc kiểm soát chất lượng hàng hóa thực sự là một vấn đề.
Do đó, nếu khách hàng không hài lòng về chất lượng thì uy tín của người bán hàng theo mô hình này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhược điểm thứ hai có thể kể đến là lợi nhuận thu về không nhiều.
Đây được coi là nhược điểm lớn nhất của mô hình kinh doanh dropshipping này bởi khi bắt đầu với chi phí thấp sẽ gặp cạnh tranh lớn và lợi nhuận chủ yếu đến từ việc hưởng chênh lệch giá mua bán giữa nhà cung cấp với giá mà bạn bán cho người mua nên thu nhập từ hoạt động này sẽ không cao như khi nhập hàng về và bán trực tiếp cho người mua…
Không chỉ vậy, khi kinh doanh theo loại hình dropshipping, cơ hội xây dựng thương hiệu không cao bởi khi không phải người gửi hàng, dán nhãn, đóng gói… nên doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình dropshipping sẽ không thể can thiệp và xây dựng thương hiệu cho bản thân thông qua hàng hóa, dịch vụ.

Kinh doanh dropshipping tại Việt Nam phù hợp với ai?
Từ những ưu điểm và nhược điểm đã nêu ở trên, tại Việt Nam, có thể thấy đây có thể coi là “một nghề tay trái” với nhiều đối tượng như:
Nhân viên văn phòng
Với quỹ thời gian trung bình 08 tiếng/ngày nhân viên văn phòng thường rảnh rỗi buổi tối hoặc khoảng 02 – 03 tiếng ban ngày để có thể dễ dàng hoạt động theo mô hình dropshipping này.
Sinh viên
Cũng là một đối tượng khá phù hợp với mô hình kinh doanh dropshipping bởi quỹ thời gian rảnh rỗi trong ngày tương đối lớn nếu biết sắp xếp các môn học phù hợp cũng như không có nhiều vốn, không có địa điểm kinh doanh cụ thể.
Người làm công việc tự do (Freelancer)
Tương tự như các đối tượng ở trên (Dân văn phòng, sinh viên), mô hình kinh doanh dropshipping thực sự phù hợp với đối tượng này…
Người bán hàng online
Khi đã làm công việc bán hàng online thì khả năng và kinh nghiệm về tìm nguồn hàng, phân tích thị trường, tìm sản phẩm… trong việc kinh doanh online sẽ giúp ích rất nhiều khi muốn thực hiện mô hình kinh doanh dropshipping.

Điều kiện kinh doanh dropshipping theo pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, có thể kể đến một số nền tảng kinh doanh mô hình dropshipping uy tín như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop, Sendo,…
Để được hoạt động kinh doanh dropshipping tại Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử, người kinh doanh cần phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo pháp luật Việt Nam tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
– Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho các sàn khi đăng ký sử dụng dịch vụ gồm: Tên, địa chỉ thường trú, mã số thuế cá nhân…
– Cung cấp thông tin đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn thương mại điện tử gồm: Thông tin về nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, giá cả, chính sách hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, nhận tiền hoòa; thông tin về vận chuyển, giao nhận và phương thức thanh toán… và đảm bảo tính chính xác, trung thực của các thông tin này.
– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế…

Top 4 nguồn hàng kinh doanh dropshipping tại Việt Nam chất lượng
Để kinh doanh dropshipping tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo các nguồn hàng đa dạng, dễ dàng tìm kiếm và chất lượng dưới đây:
Các sàn thương mại điện tử
Đây được coi là một trong những nguồn hàng dropshipping phổ biến nhất tại Việt Nam bởi các ưu điểm dưới đây:
– Dễ dàng tìm kiếm chỉ bằng các từ khóa và bộ lọc thông minh
– Đa dạng về số lượng hàng hóa, chủng loại và giá cả của hàng hóa
– Cập nhật các chính sách về vận chuyển, hoàn tiền rõ ràng, minh bạch…
Tuy nhiên, giá thành của nguồn hàng này có thể sẽ cao hơn các nguồn khác do có sự cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp.

Các trang web chuyên về dropshipping
Với sự phát triển không ngừng của mô hình kinh doanh dropshipping, tại Việt Nam người bán có thể dễ dàng truy cập và sử dụng các trang web chuyên về dropshipping như Droppii, Printub, PingGo, Dinos,… để tìm kiếm nguồn hàng cho mình.
Ưu điểm của nguồn hàng này là có sẵn nhiều lựa chọn và tích hợp các tiện ích phù hợp với những người mới dấn thân vào con đường kinh doanh dropshipping. Tuy nhiên, bởi vì thế nên có thể phí dịch vụ của các website này sẽ cao, giao hàng có thể lâu hơn…
Các hội nhóm trên Facebook
Việc tìm nguồn hàng trên Facebook cũng là một cách không thể bỏ qua bởi ngoài việc các nhà sản xuất kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử thì việc kinh doanh trên Facebook cũng rất được ưa chuộng bởi giao dịch đơn giản, cập nhật xu hướng của thị trường…
Tuy nhiên, nhược điểm của nguồn hàng này là không đánh giá được chất lượng sản phẩm hoặc có thể gặp rủi ro lừa đảo nếu không kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm, nhà cung cấp, không có chính sách bảo vệ người bán và chính sách hoàn tiền, vận chuyển không cụ thể…
Các chợ bán hàng sỉ
Mặc dù hiện tại việc kinh doanh online đang ngày càng phát triển nhưng các chợ bán hàng sỉ vẫn còn tồn tại và khá phong phú về mẫu mã cũng như giá thành. Đồng thời, bạn có thể dễ dàng mua hàng trực tiếp, kiểm tra chất lượng và thương lượng về giá cả.
Tuy nhiên, để nhập hàng ở nguồn này, bạn cần có nguồn vốn lớn, có kho hàng và tốn thời gian đi lại để tìm kiếm nhà cung cấp.

Các bước kinh doanh dropshipping cho người mới bắt đầu
Để kinh doanh dropshipping tại Việt Nam nói riêng và kinh doanh dropshipping nói chung, bạn cần phải thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Tìm kiếm, lựa chọn và liên hệ nhà cung cấp hoặc các nguồn hàng
Tại đây, bạn phải tìm kiếm nhiều nhà cung cấp, trao đổi giá thành, vận chuyển… để được hưởng mức giá ưu đãi nhất.
Bước 2: Chọn kênh bán hàng
Bạn có thể lựa chọn một trong các kênh bán hàng như sau:
– Tự thiết kế website bán hàng của riêng mình.
– Bán hàng trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Tiktok…
– Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada…
Bước 3: Thực hiện marketing để thu hút khách hàng
Đặc điểm chính của bước này là bạn phải tiếp thị sản phẩm của mình với quy mô rộng lớn kèm tệp người dùng đa dạng.
Do đó, người đi theo mô hình dropshipping có thể lựa chọn các chương trình khuyến mại, ưu đãi, tặng quà… đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng để kích thích, thúc đẩy việc mua sắm.
Bước 4: Tiếp nhận đơn hàng và làm việc với nhà cung cấp để giao hàng cho người mua.
Bước 5: Tổng kết
Bước cuối cùng khi thực hiện mô hình dropshipping là nên tổng kết đơn hàng, nhận chiết khấu từ nhà cung cấp (nếu có) để đảm bảo không bỏ sót thông tin hoặc rút kinh nghiệm khi muốn triển khai với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác.
Như vậy, có thể thấy, dù việc kinh doanh dropshipping tại Việt Nam còn khá mới nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình trên thị trường quốc tế, dropshipping trong tương lai có thể trở thành xu hướng tất yếu.
Xem thêm:
- Dịch vụ quảng cáo Facebook dành cho người mới bắt đầu
- Cách chạy quảng cáo Google hiệu quả, tăng chuyển đổi